Tìm hiểu được biết, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021 với diện tích 279ha, tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Đầu tư “siêu dự án thép” 85.000 tỷ ở Quảng Ngãi, tài chính Hòa Phát thế nào? (ảnh minh họa: Internet).
Dự án do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng, thu hút 8.000 lao động, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm. Theo dự kiến, dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2024. Sau khi triển khai tối ưu hóa công suất dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 từ 4 triệu tấn lên 6 triệu tấn/năm thì tổng công suất của Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 là 11,6 triệu tấn/năm.
Hiện tại, Hòa Phát đang tập trung nguồn lực hoàn thành thủ tục pháp lý, đầu tư, xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Sau hơn 1 năm triển khai, dự án này đã đạt tiến độ 35% khối lượng công việc.
Hòa Phát kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 mới công bố, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát (mã: HPG) ghi nhận doanh thu đạt 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù doanh thu suy giảm, lợi nhuận gộp vẫn thu về 3.594 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước là 1.000 tỷ đồng.
Do chi phí tài chính (1.438 tỷ đồng) và một số chi phí khác cao, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong quý III/2023 ghi nhận 2.000 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ 2022 và 38% so với quý trước. Đây là con số khá ấn tượng khi cùng kỳ năm 2022 doanh nghiệp này lỗ đến 1.785 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Hoà Phát đạt 84.430 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.831 tỷ đồng; giảm lần lượt 27% và 63% so với 9 tháng đầu năm 2022. So với kế hoạch năm 2023, Hòa Phát đã hoàn thành được 48% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Theo Hòa Phát cho biết, trong bối cảnh mặt bằng giá nguyên liệu trong quý III/2023 vừa qua giữ ở mức ổn định cùng với sản lượng bán hàng cải thiện dần qua từng quý, bán hàng các sản phẩm thép quý III đã tăng 12% so với quý II và 24% so với quý đầu năm. Bên cạnh đó, việc duy trì quản trị hàng tồn kho ở mức thấp góp phần giúp biên lợi nhuận quý III được cải thiện.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.
Ngoài ra, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,6 triệu tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu 2022.
Tính đến hết quý III/2023, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng, ống thép tại Việt Nam lần lượt 33,3% và 27,3%.
Tại thời điểm 30/9/2023, quy mô tổng tài sản của Hòa Phát đạt 173.507 tỷ đồng. Nhìn về cơ cấu nguồn vốn của Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp này vẫn chiếm phần lớn là vốn chủ sở hữu với 99.865 tỷ đồng và nợ là 73.641 tỷ đồng. Tuy nhiên. cơ cấu nợ của Tập đoàn Hòa Phát lại được hình thành từ nợ ngắn hạn là chủ yếu với 64.117 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm đến 49.237 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng ghi nhận tình trạng tăng từ 13.334 tỷ đồng lên 16.429 tỷ đồng. Đây chính là các dự án mà Tập đoàn Hòa Phát đang đẩy mạnh đầu tư thực hiện, điển hình như: Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất (12.731 tỷ đồng); dự án Container (1.890 tỷ đồng); dự án điện máy gia dụng (271 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp gang thép Hải Dương (356 tỷ đồng); dự án nông nghiệp (382 tỷ đồng); cùng với đó là một số dự án khác (796 tỷ đồng)…